Lượt xem: 506

Người nuôi cá chẽm gặp khó

Trong số các đối tượng cá nước lợ được lựa chọn để thả nuôi tại tỉnh Sóc Trăng, cá chẽm là đối tượng chiếm diện tích khá lớn với hơn 4.100 ha, đây cũng được xác định là loài cá mang đến giá trị kinh tế khá cao. Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện ở những vụ sản xuất trước. Bởi thời điểm hiện tại, giá thu mua mỗi kg cá chẽm chỉ đạt bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất, khiến người nuôi vô cùng lo lắng.

 


Cá chẽm đến kỳ thu hoạch nhưng không “được giá” 

 

    Còn khoảng vài tuần nữa, 7.000m2 ao nuôi cá chẽm của ông Trịnh Tấn Phát ở khóm Trà Niên, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu sẽ đến ngày thu hoạch. Dẫu “được mùa”, nhưng niềm vui của gia đình trong vụ sản xuất năm nay đã không trọn vẹn, khi con cá chẽm đã không còn “được giá” như nhiều vụ sản xuất trước đây. Cụ thể, mỗi kg cá chẽm có giá thu mua giảm từ 10.000 - 15.000 đồng. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân chỉ đạt mức từ huề vốn đến lỗ, chứ không mong có lời. Điều đáng lo ngại hơn là giá cá thấp, thương lái sẵn sàng bỏ cọc, khiến  người nuôi rơi vào cảnh “khó càng thêm khó”. Anh Phát chia sẻ: “Mấy năm trước cá chẽm có giá từ 70.000 đồng/kg trở lên, hiện giờ chỉ còn 60.000/kg. Với giá này, nếu thu hoạch là lỗ. Thương lái đặt cọc rồi nhưng nhiều chỗ cũng bỏ cọc vì giá này không có lời”.

    Giá cá thấp, thương lái thu mua cá thì hiếm hoi. Tình cảnh này khiến ông Lương Văn Biên cùng ngụ ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu vô cùng bất an. Sau lần thất bại ở đợt tôm nuôi đầu vụ, gia đình ông Biên quyết định chuyển hẳn 3.500m2 ao nuôi tôm chuyển sang thả nuôi cá chẽm. Mặc dù đã đến ngày thu hoạch, nhưng người nông dân này vẫn quyết tâm treo ao chờ giá. Thời gian nuôi kéo dài, chi phí thức ăn sẽ theo đó tiếp tục tăng cao. Như nhiều hộ nuôi lân cận trong khu vực, tâm trạng của ông Biên lúc này cũng thấp thỏm theo sự biến động của giá thị trường. Ông Biên cho biết thêm: “Cá cũng đến lứa bán rồi, những bán thời điểm này là lỗ. Càng neo thì càng khó, vì chi phí thức ăn tăng cao”.

    Ở Sóc Trăng, phong trào nuôi các loại cá nước lợ bắt đầu phát triển mạnh từ cuối năm 2011. Đây được xem là giải pháp đa dạng hóa đối tượng thủy sản ở những thời điểm nghề nuôi tôm liên tục gặp khó do ảnh hưởng của giá thành và tình hình dịch bệnh. Có thể nói, đối tượng cá nước lợ rất đa dạng, phong phú và khả năng phát triển diện tích là rất cao do những điều kiện thích hợp sẵn có từ những vùng nuôi tôm. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi khác, để nghề nuôi phát triển lớn mạnh và bền vững, cần có giải pháp kiểm soát được diện tích thả nuôi và sản lượng cá thu hoạch so với nhu cầu thị trường nhằm đảm bảo sự ổn định cung - cầu một cách hợp lý. Quan trọng là hình thành các chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra, thông qua việc kết nối người nuôi tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để giải quyết dứt điểm bài toán đầu ra khi thu hoạch. Đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tiến hành nghiên cứu về các đặc điểm sinh học để tạo ra nguồn giống chất lượng đối với các đối tượng cá nước lợ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị tư vấn, chứng nhận, tiến hành chứng nhận một số đối tượng theo quy chuẩn quốc tế để có thể đáp ứng các đơn đặt hàng từ nước ngoài nhằm đảm bảo sản lượng xuất khẩu ổn định. Song song đó, chúng tôi cũng tiếp tục phối hợp với các nhà máy chế biến, thúc đẩy chế biến sâu đối với các mặt hàng làm từ các loại cá nước lợ để góp phần giải quyết tình trạng khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm...”.

    Có thể thấy, việc đa dạng hóa đối tượng thủy sản là hướng đi phù hợp nhằm khai thác tối đa dư địa sẵn có từ lợi thế về mặt thổ nhưỡng và sự đa dạng về vùng sinh thái của tỉnh Sóc Trăng. Cùng với các giải pháp mang tính lâu dài đã và đang được ngành chuyên môn triển khai, một khi nông dân sản xuất theo hướng có liên kết, nghề nuôi cá chẽm nói riêng và cá nước lợ nói chung nhiều khả năng sẽ không còn là ngành nghề mang tính “may rủi”. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế cho người trực tiếp sản xuất và phục vụ tốt mục tiêu phát triển lĩnh vực thủy sản của tỉnh nhà một cách bền vững trong thời gian tới.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 49
  • Hôm nay: 200
  • Trong tuần: 70,627
  • Tất cả: 11,802,634